ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH - BÁT QUÁI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM

ÂM DƯƠNG - NGŨ HÀNH - BÁT QUÁI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA VIỆT NAM

I. TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG VĂN HÓA VIỆT NAM
Văn hóa Việt Nam biểu hiện tư duy âm dương vừa phổ biến, vừa đa dạng.
Trước hết nguyên lý âm dương biến dịch nội tại có thể tương đương với các lối nói: Trong rủi có may, trong may có rủi, trong đỏ có đen, trong đen có đỏ; Mấy ai giàu ba họ, mấy ai khó ba đời,….
Kế đến nguyên lý âm dương biến dịch ngoại tại cũng có thể tương đồng với các câu nói như: Treo cao té nặng; Bỉ cực thái lai; Lấy ân báo oán; Đào sâu nhọc lấp;…
Bên cạnh đó, âm dương còn biểu hiệu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Việt rất đa dạng: Ý niệm về vũ trụ (Trời đất, Bánh tét bánh chưng, quẻ âm quẻ dương), Về sự sống và sự chết (cõi âm cõi dương, sống ở dương gian thác về âm phủ), Về giới tính (đực cái, trống mái, dương vật âm vật), Về thời gian (ngày đêm, sáng tối, âm lịch dương lịch), về không gian (cao thấp, xa gần,..)

II. NGŨ HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
Đời sống vật chất và tinh thần của người Việt thời cổ đại cho đến các giai đoạn kế tiếp phản ánh phạm trù ngũ hành tương sinh và tương khắc trong nhiều lĩnh vực. Người Việt sống theo nông nghiệp từ thời tiền sử và tiếp tục phát triển qua các giai đoạn kế tiếp. Trong đó trồng lúa và đánh bắt tôm cá là nghề cơ bản và phổ biến cho nên cơm với cá là hai thức ăn chủ yếu – cơm với cá như má với con. Cơm thuộc mộc, cá thuộc thủy mà thủy sinh mộc, hai thức ăn này tương sinh tương hóa để tạo ra dinh dưỡng cho sự sống đồng thời nó cũng là đặc điểm của nền văn hóa nông nghiệp. Nhà ở của người Việt, nhất là ở miền Trung và miền Bắc ít quay về hướng hành Thủy vì Thủy thuộc mùa Đông ở hướng Bắc mà gió Bắc về mùa Đông khô và lạnh ít sinh khí dễ gây bệnh (cửa các hang đá người tiền sử có đến 50% quay về chính Nam) – Cưới vợ hiền, nhà hướng Nam.
Trong các mối quan hệ về đời sống vật chất và tinh thần, người Việt thường dùng tiếng “vài ba” (2 và 3), 2 là số của đất, 3 là số của trời cũng là số âm và số dương. 2 và 3 gần như là cái chuẩn để ứng xử trong mọi quan hệ vì vũ trụ và vạn vật do trời đất, âm dương mà sinh hóa. 2 thuộc hỏa, 3 thuộc mộc mà mộc thì sinh hỏa và 2+3=5, 5 là số trung bình của trời đất ngụ tại thổ trung ương.
Cho nên người Việt thường nói: ăn vài ba miếng (trong lúc mời ăn), nói vài ba câu (trong lúc trò chuyện), bỏ vài ba nắm đất (chôn cất người chết), thắp vài nến hương (thế giới đã khuất),… Từ đó ta suy ra rằng 2 và 3 (vài ba) là tượng số cả biểu hiện quan điểm sống của người Việt ở trong nền văn hóa nông nghiệp, trong triết lý phương Đông.
Về hôn nhân người Việt thường kỵ sự phối hợp các hành khắc nhau, chẳng hạn Thủy – Hỏa, Hỏa – Kim, Kim – Mộc,…
Về lĩnh vực y học, bói toán, người ta cũng vận dụng định luật ngũ hành sinh khắc chế hóa để bóc thuốc chữa bệnh, tìm huyệt chôn cất người chết, ngày giờ gả, cưới, xây cất nhà cửa,…

III. BÁT QUÁI ẨN HIỆN TRONG VĂN HÓA VIỆT NGƯỜI VIỆT NAM
Bát quái liên quan tới Âm dương, Ngũ hành, tam tài, phương hướng, giờ, ngày, tháng, mùa,… nghĩa là ở trong mọi mối quan hệ với con người. Người Việt ở trong khối BÁCH VIỆT – NAM Á, một dân tộc có nền văn hóa nông nghiệp lâu đời và cũng là một trong những chủ nhân của triết lý phương Đông. Do vậy Bát quái ẩn hiện trong đời sống vật chất vầ tinh thần của người Việt được biểu hiện qua nhiều hiện tượng khác nhau.
Người Việt thường ứng dụng bát quái trong việc xem ngày giờ, phương hướng… để xây cất nhà ở, những công trình kiến trúc và chôn cất người chết…
Đặt biệt khi xây cất nhà, giờ thương lượng họ thường treo đồ hình Bát quái vì sống nhà, thác mồ. Ngoài ra, Bát quát cũng còn được ứng dụng trong các lĩnh vực y học, đạo đức, bói toán, chính trị,… Riêng về bói toán thì tương đối phổ biến trong đời sống tinh thần của người Việt.
Nhưng mấy ai hiểu rõ được cái uyên nguyên của triết lý âm dương, cái tương sinh tương khắc của ngũ hành, cái quẻ đã sinh ra và chưa sinh của Bát quát cho nên phần nhiều dẫn đến mê tín.

Trích: "Cơ Sở Văn Hoá Việt Nam" - Lê Văn Chưởng

Biên soạn: Chuyên gia phong thủy Miu Decors