KHÍ - NGUỒN NĂNG LƯỢNG VŨ TRỤ

Khí là nguồn sinh lực hiện hữu trong các loài động vật và cũng là nguồn năng lượng tinh tế, khó nhận biết, được các vật thể vô tri vô giác phát lộ ra ngoài. Khu vườn phản ánh ước muốn trường sinh của con người, theo quan niệm của người Trung Quốc nghĩa là duy trì được mãi tuổi thanh xuân, khác với quan niệm phương Tây là “sống lâu trăm tuổi”.

Mọi thành phần đặc trưng của khu vườn đều được đặt vào các phương vị thích hợp để nhắm đến mục đích này: đá và hồ nước tượng trưng cho sự vĩnh cửu, trường tồn và những cây cối sống lâu năm, còn đối với những thảo mộc lưu niên thì chỉ dùng những loại cây sống trong một năm hoặc hai năm. Với sự lựa chọn này chúng ta sẽ giúp cho khí, nguồn sinh lực của môi trường được mạnh mẽ và vững bền.

Đá

Đá là biểu tượng của núi, hình ảnh rất thường được nhìn thấy ở Trung Quốc. Có ba loại đá thường được các nhà thiết kế vườn kinh điển kết hợp đưa vào sử dụng trong một khu vườn rộng – loại đá thật lớn, đủ để bước đi trên đó; loại đá mỏng, thẳng đứng; và những loại đá có hình hoa văn hoặc hình thù kỳ lạ, phức tạp. Mảng thiết kế đá này sẽ được xây dựng ở hướng bắc và hướng tây của khu vườn, ngoài việc tạo thành một bức vách che chắn, còn có tác dụng tạo ra sự tương phản với các hồ nước, được đặt ở hướng nam và hướng đông để thu giữ những nguồn năng lượng có ích mà người xưa tin là phát xuất từ hai hướng này.

Đá mang dáng vẻ bất động nhưng người Trung Quốc quan niệm rằng chúng là biểu tượng của sức mạnh và hàm xúc rất nhiều điều qua các đường nét hoa văn trên bề mặt (mạch đá) và qua hình thù của chúng. Những tảng đá nhỏ, gọi là đá mộng mơ, được đặt bên trong lưng ghế hoặc treo trên tường trong các nhà ngồi hóng mát trong vườn. Được dùng làm đối tượng chiêm nghiệm, những khối đá này có thể dẫn dắt chúng ta, thông qua các kênh năng lượng trong các vết tích, các dấu hằn của chúng, tìm đến triết lý của Đạo với niềm mong mỏi được hòa làm một với vũ trụ.

Nước

Nước đem năng lượng đến cho khu vườn. Một hồ nước tĩnh lặng phản chiếu bầu trời luôn thay đổi trên cao và thu hút năng lượng từ vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú cũng như bóng mây, là những gì không ngừng soi rọi, hiện diện trên mặt nước. Dòng nước lưu chuyển mang theo âm thanh và sự chuyển động khi tuôn đổ xuống những hòn đá cuội và tạo ra những khoanh nước xoáy nhỏ. Đài phun nước không là thành phần đặc trưng trong khu vườn Trung Quốc cổ, nhưng với kỹ thuật hiện đại, chúng ta có thể đưa năng lượng của nước đến cả những khoảng không nhỏ bé, chật hẹp.

Nước tượng trưng cho tài lộc và được tin rằng là nguồn thu nạp và điều dẫn khí rất tốt. Nước từ hướng đông chảy êm đềm vào một hồ nước trong lành thì rất rốt, nhất là khi dòng nước này lững lờ uốn khúc lúc ra xa và dần mất hút. Cá màu vàng và màu trắng bạc tượng trưng cho tiền bạc cho nên người Trung Quốc thường thả nuôi rất nhiều. Cho dù hồ nưóc có hình dáng vuông vức nhưng khi trồng cây cối, hoa cỏ quanh hồ, chúng nên được sắp đặt thành hình vòng cung, tựa như hai cánh tay giang ra như muốn bao trùm, che chở cho hồ nước. Những kiểu bố trí cây trồng theo dạng đối xứng, cân đối không bao giờ nhìn thấy trong các khu vườn Trung Quốc lớn nhưng với các mảnh vườn nhỏ, hình thức sắp xếp này được chấp nhận.

Đường và các cây cầu đi dạo

Những con đường trong khu vườn Trung Quốc thường dẫn đi quanh co khắp mọi nơi. Trên những lối đi dạo lộ thiên hoặc có mái che. Chúng xuất phát từ hướng đông và rồi uốn lượn nhẹ nhàng để mang vào nguồn năng lượng tốt lành, đang tỏa lên và nếu bắt đầu từ hướng tây, chúng sẽ trở nên gấp khúc hơn để làm chậm nguồn năng lượng của phương vị này đang suy kiệt và rơi xuống. Các cây cầu hình cánh cung bắc ngang các thủy lộ - tạo nên những vòng tròn hoàn hảo khi soi mình xuống măt nước - tượng trưng cho Trời. Những cây cầu khác có hình zic-zăc; nếu các đường gấp khúc là một số lẻ sẽ biểu thị tính Dương và giới thiệu cảnh vật mang tính Âm, dịu mát, hiền hòa của mặt nước tĩnh lặng và thảo mộc. Nếu đường gấp khúc là một số chẵn sẽ biểu thị tính Âm, giới thiệu quang cảnh mang tính Dương của đá hoặc công trình xây dựng. Đền, chùa, miếu mạo thường cất ở hướng đông bắc và tây nam, đôi khi được đề cập dưới cái tên ‘Cửa vào của Ma Quỷ’, để nhốt giữ những điều xấu, xui xẻo, vì đây là những hướng gió lùa rất mạnh.

Cây cối và thảo mộc

Trong khu vườn Trung Quốc, việc trồng cây diễn ra rất thường xuyên để cây cối và thảo mộc luôn duy trì mối quan hệ năng lượng với môi trường của chúng. Chúng ta có thể lấy làm lạ khi màu sắc của thảo mộc lại không được xem trọng, chỉ ngoại lệ đối với những màu phản ánh sự thay đổi của mùa nhưng đó chỉ điều tình cờ phù hợp với mục đích chính của khu vườn Trung Quốc.

Nhà cửa và cách kiến trúc

Vì con người là một phần không thể thiếu trong khu vườn cho nên nhà cửa và mặt nền cao ráo là những thành phần đặc trưng quan trọng, khuyến khích người ta tìm đến nhau và theo đuổi những thú vui với nhau. Cầu, đường đi và những lối đi dạo có mái che là các phương tiện đưa dẫn con người đến những cảnh quan đẹp mắt và các vị trí tách biệt, đồng thời cũng là nơi giúp con người hít thở không khí trong lành và rèn luyện thân thể qua những bài thể dục nhẹ. Các bức vách và cửa ra vào có tác dụng tạo sự liên kết giữa thế giới bên trong nhà với thế giới bên ngoài.

Đồ đạc trong nhà và các vật dụng khác

Ghế ngồi và bình hoa cũng là những thành phần đặc trưng trong khu vườn Trung Quốc, nhưng điều được chú trọng nhất vẫn là đá và thảo mộc. Trong những khu vườn công cộng, những vật mang đến sự hứng khởi, như các con rồng khổng lồ, đầy màu sắc, đều xuất hiện vào các kỳ lễ hội. Ở công viên, những thảm hoa hoặc cây trồng có màu sắc tươi tắn, sinh động thường được trồng chung thành một thể thống nhất theo hình xoắn vặn, phản ánh tính dương của không gian chung, dụng ý để tương phản với không gian Âm của các khu vườn cá nhân.

Âm dương

Không nơi nào mà sự sánh đôi hai lực âm-dương vừa đối nghịch nhau vừa bổ sung cho nhau lại được thể hiện rõ nét hơn là trong một khu vườn. Đá, tượng trưng cho núi non chắc chắn, mạnh mẽ, tương phản với nước tĩnh lặng sâu lắng trong các ao hồ.

Những hình ảnh này nếu để riêng rẽ sẽ không có nhiều hiệu quả bằng khi chúng được đặt tương phản với nhau. Vẻ đẹp của một bông hoa đơn lẻ sẽ càng nổi bật hơn khi được đặt bên cạnh một mặt đá tối hoặc như những nhánh cong queo của một cây cổ thụ giữa nền trời.

Khi bước chân vào một khu vườn phong thủy, chúng ta sẽ cảm nhận được không khí êm đềm, tĩnh mịch nhưng không phải vì nơi đây hoàn toàn vắng lặng hoặc không có sự sống. Bạn sẽ nhận thấy có những chuyển động đâu đó, và cả những âm thanh – tiếng gió xào xạc qua những ngọn cây, tiếng gọi đàn của chim chóc và muông thú. Những xao động mà bạn cảm nhận được xuất phát từ hình khối các tảng đá, có thể khiến ta liên tưởng đến những tên gọi như Ngọa Hổ và Phi Long, cũng như qua những hoa văn và đường nét trên mặt đá mà thời tiết và khí hậu đã lưu hằn lại. Những bụi cây hoặc cây có thân cong oằn và cuống, rễ vặn vẹo được chủ tâm đặt vào các vị trí tương phản với các mảng tường xanh nhạt hoặc bầu trời. Những khu vườn của người Trung Quốc thời trước là nơi diễn ra mọi sinh hoạt xã giao của giới quan quyền hoặc giàu có. Sân khấu nhạc kịch, vũ hội và âm nhạc luôn khiến cho các khu vườn rộn rã các âm thanh và được thắp sáng bởi những ngọn đèn lồng.

Trong khu vườn Trung Quốc tất cả mọi thứ đều được sắp đặt có tính toán trước một cách cẩn thận và chi li nhằm làm tôn vinh vẻ đẹp và tác động của vật đó, ngoài ra chúng còn phải hòa hợp, tương xứng với những thứ khác xung quanh. Một mảnh vườn nhỏ ở nước Anh, trồng rất nhiều loại hoa, thì vẻ xinh đẹp của khu vườn này hoàn toàn khác so với một mảnh vườn trong đó những hòn đá xinh đẹp hoặc một loại hoa duy nhất nở rộ là tất cả những thứ được cần để tạo ra một ấn tượng trực quan mạnh mẽ. Mỗi loại thảo mộc đều có một thuộc tính âm hoặc dương tùy vào phẩm chất hoặc đặc tính tượng trưng thể hiện thảo mộc đó qua ngôn ngữ Trung Quốc.

Phối cảnh được vận dụng một cách thú vị trong các khu vườn Trung Quốc. Những cảnh trí sắp đặt theo phối cảnh được tạo ra bởi các nhà thiết kế phong cảnh tên tuổi của phương Tây nhưng có điểm nhấn mạnh phụ thêm. Kích thước ở đây mang tính tương đối. Một ngọn núi hùng vĩ được nhìn từ xa trông có vẻ nhỏ bé trong khi một hòn đá nhỏ gần ngay trước mắt có thể mang ý nghĩa quan trọng hơn nhiều. Khái niệm ‘căn phòng vườn’ - một phần trong phong cách thiết kế ở phương Tây trong nhiều năm, cũng là một đặc điểm truyền thống của khu vườn Trung Quốc. Những mảnh vườn nhỏ được tạo dựng bên trong một không gian rộng lớn và cảnh vật rộng lớn hơn được mở ra bên trong một khu vực khá nhỏ bằng cách dùng các ‘cửa sổ’ để tạo ra cái nhìn thoáng vào thế giới ngoài xa.

Đảo tiên

Trong vườn ở Trung Quốc, ở giữa các ao hồ người ta thường đắp một gò đất cao, mô phỏng theo truyền thuyết dân gian về một vùng đất thần tiên ở đâu đó ngoài biển Đông là nơi cư ngụ của Bát Tiên. Người ta hy vọng điều này sẽ lôi cuốn được các vị Tiên tìm đến sống ở đây và tiết lộ bí mật về sự trường sinh bất tử. Không cây cối nào được trồng trên ‘hòn đảo’ này để cho biết rằng đây là ‘đảo biệt lập’.

Biên soạn: Chuyên gia phong thủy Miu Decor