LÝ THUYẾT ÂM DƯƠNG DƯỚI 2 GÓC NHÌN TÂY - PHƯƠNG (P.2)

I. TƯ TƯỞNG TRUNG HOA

Nếu theo khảo hướng Trung Hoa để phê bình lý thuyết ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH thì thiết nghĩ bất cứ ai cũng gặp khó khăn bối rối, khiên cho không thể phê bình được lý thuyết này một cách đúng nghĩa. Có nhiều lý do:

1. Thuyết ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH không phải của một tác giả, cũng không phải là thuyết của một thời đại.

Trái lại, lý thuyết này do cả một truyền thống triết học bồi đắp, từ thế kỷ 44 trước Tây lịch kéo dài mãi đến thế kỷ thứ 19 sau Tây lịch mà vẫn còn có học giả bổ chính. Như vậy, tính theo thời gian, lý thuyết này phủ trùm 63 thế kỷ.

Vấn đề đặt ra là người phê bình nên đứng vào thời đại nào? Nhận xét tư tưởng nào? Phê bình tác giả nào?

2. Thuyết ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH có trên 20 tác giả góp bàn, khi thì bổ túc, khi thì du nhập khái niệm mới.

Có cả thảy 6 trào lưu tư tưởng về nguồn gốc của Vũ Trụ, trong đó có bàn trực tiếp và gián tiếp về âm dương và ngũ hành:

  • Đạo luận của Lão Tử
  • Thái cực luận của Dịch Truyện
  • Khí luận của Hà Lưu, Trịnh Huyền, Lưu Thiệu và Trương Hoành Cừ.
  • Duy lý luận hay Lý khí luận của Trình Minh Đạo, Trình Y Xuyên, Chu Hi
  • Duy tâm luận của Lục Tượng Sơn, Dương Giản, Vương Dương Minh, Trạm Nhược Thủy, Tiến Đức Hồng, La Hồng Tiên.
  • Khí luận phục hưng của Vương Thuyền Sơn, Nhau Tập Trai, Lý Thứ Cốc và Đái Đông Nguyên
  • Đa nguyên luận của Hướng Tú và Quách Tượng

Mỗi học phái hiểu vấn đề một khác, có khi sự khác biệt hết sức căn bản. Vì thế, không thể nhân danh học phái này để bài bác học phái kia. Cũng khó có thể dung hòa những khái niệm quá ư dị biệt về định danh và về nội dung.

Trong 6 trào lưu đó, hơn 20 tác giả không đồng ý nhau về cách mệnh danh nguồn gốc vũ trụ, về nội dung các ý niệm căn bản, về cách giải thích sự biến hóa, về thứ tự xếp loại vài ý niệm.

NHỮNG DỊ BIỆT VỀ CÁCH MỆNH DANH

Cũng thời nguồn gốc của vũ trụ mà mỗi học phái kể trên mệnh danh một khác và lắm khi, trong một học phái, cách gọi cũng không giống nhau. Theo sách Đại Cương Triết Học Trung Quốc của hai cụ Giản Chi và Nguyễn Hiếu Lê thì có 12 lối gọi: Đạo, Thái Cực, Nguyên, Huyền, Vô Cực, Trời, Khí, Nguyên nhất, Thái hư, Lý, Lý khí và Tâm.

Có vài tác giả hiểu giống nhau về nguồn gốc của vũ trụ tuy họ gọi khách nhau, ví dụ Dịch phái gọi là Thái Cực, còn Dương Hùng thì gọi là Huyền.

NHỮNG DỊ BIỆT VỀ NỘI DUNG CÁC Ý NIỆM CĂN BẢN

Có tác giả lại ghép hai ý niệm khác nội dung làm một. Ví dụ như theo Vũ Đồng thì Đạo và Thái Cực khác nghĩa mà Dương Hùng đem nhập chung cả hai làm một.

Có tác giả nêu tên gọi nguồn gốc vũ trụ mà không mô tả tính chất (Đồng Trọng Thư).

Nhiều tác giả mô tả, đôi khi rất rõ ràng, nhưng rất uẩn khúc và dị biệt. Khi thì cho nguồn gốc của vũ trụ là khí siêu hình, khi thì cho là hữu hình, khi thì cho là về phương tiện nào đó là siêu hình, còn về phương diện nào đó là hữu hình, khi thì phân biệt lúc tụ khí, tán khí mà định chất, cũng thời gọi chung là “lý” mà họ Trình hiểu là lý tự nhiên, còn em y thì hiểu là lý sở nhiên, khi thì cho nguyên gốc là lý, khi thì khí, khi thì lý khí.

Riêng về âm dương, có người cho đó là hai khí, còn Chu Hi chỉ cho là chỉ có một khí dù là hai chữ khác nhau, có người cho đó là lý, có tác giả cho Lưỡng Nghi là Âm Dương (Dịch Phái) còn Chu Hi cho lưỡng nghi là Trời Đất.

Về ngũ hành cũng vậy, lần lượt người ta thấy ngũ hành được xem là khí (Đổng Trọng Thư), là chất (Chu Hi), là thế lực (Phùng Hữu Lan).

NHỮNG DỊ BIỆT VỀ CÁCH GIẢI THÍCH CỦA SỰ TIẾN HÓA

Dù các triết gia hầu như tương đồng về qui luật biến hóa của vũ trụ (chẳng hạn như xem động là luôn luôn, theo luật chi phối phản phục căn nguyên sự biến hóa là tính chất lương nhất nguyên của sự vật, lưỡng nhất mà điều hòa để biến hóa), nhưng vẫn còn có nhiều dị biệt về cách cấu tạo vạn vật, ngũ hành.

Chẳng hạn như theo Dịch phái thì nguyên tố sinh thành vạn vật là ÂM DƯƠNG. Còn Chu Đôn Di thì cho rằng ÂM DƯƠNG còn phải hợp với NGŨ HÀNH mà ngưng tụ lại mới cấu thành vạn vật.

Cũng theo Dịch phái, ÂM DƯƠNG sinh TỨ TƯỢNG, TỨ TƯỢNG tiếp sinh BÁT QUÁI. Chu Đôn Di thì cho rằng ÂM DƯƠNG sinh ra NGŨ HÀNH rồi 5 khí này phân tán trở thành TỨ TƯỢNG. Còn Đồng Trọng Thư viết: “Khí của Trời Đất hợp thì là một, chia thì là ÂM và DƯƠNG, tách ra làm 4 mùa, bày xếp thành NGŨ HÀNH” (không qua BÁT QUÁI).

Đến Đái Đông Nguyên, thì ÂM DƯƠNG phủ trùm NGŨ HÀNH: “Khi nói đến khí ÂM, DƯƠNG là nói gồm cả khí NGŨ HÀNH, và khi nói đến khí NGŨ HÀNH là nói gồm cả khí ÂM DƯƠNG ở trong.”

Còn riêng về NGŨ HÀNH, trong tư tưởng Chu Hi người ta thấy có mâu thuẫn. Khi thì ông nói rằng lúc chưa chia Trời Đất chỉ có Thủy và Hỏa, chất cặn của Thủy kết thành Thổ. Khi ông lại nói Trời Đất sinh ra vật, NGŨ HÀNH đầu tiên là Thổ.

NHỮNG DỊ BIỆT TRONG THỨ TỰ XẾP LOẠI CÁC Ý NIỆM

Theo Thiên Hồng Phạm thì thứ tự NGŨ HÀNH được xếp là Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ. Còn Đồng Trọng Thư thì ấn định khác: Mộc – Hỏa – Thổ - Kim – Thủy

Ngoài ra,như trên đã dẫn, Chu Hi nói Thủy và Hỏa là hai chất ra đời trước nhất, rồi có chỗ lại nói Thổ là Hành đầu tiên.

Đứng trước sự dị biệt quá nhiều trong tư tưởng các triết gia Trung Quốc, việc đặt bút phê bình lý thuyết ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH hết sức bất trắc, võ đoán hầu như bất khả thi. Vì vậy, có quan điểm cho rằng ta thử đứng trong khuôn khổ tư tưởng Tây phương nhận xét về các lý thuyết này.

(Còn tiếp)

Biên soạn: Chuyên gia phong thủy Miu Decor