"Thánh" dọn đồ Marie Kondo chỉ bận trang phục trắng khi xuất hiện. Ảnh: KonMari.
Dọn đồ là hành trình tâm hồn
Kondo, 33 tuổi, dành một nửa cuộc đời đến lúc này nghĩ về chuyện đặt đồ đúng nơi đúng chỗ. Cô bị ám ảnh với sự ngăn nắp từ khi lên 5. Nữ sinh nhỏ tuổi từ ngày ấy mê mẩn đọc tạp chí về phong cách sống, thường ở lại xếp giá sách trong trường trong lúc bạn đồng lứa ra chơi. Khi thư viện quốc gia Nhật Bản trữ đầy sách về dọn dẹp và bài trí nhưng không mở cửa cho người dưới 18 tuổi, Kondo chỉ chờ đến sinh nhật lần thứ 18 để dành cả ngày ở đó. Thời điểm bước chân vào đại học ở Tokyo cũng là lúc nữ sinh bắt đầu công việc tư vấn sắp xếp đồ đạc chuyên nghiệp. Lần đầu Kondo có thu nhập cho kỹ năng đặc biệt của mình là khi cô giúp bố trí lại bên trong tủ quần áo tại nhà một CEO nữ. Dần dần cô gái Nhật nhận ra công việc đang làm không đơn thuần là một chức năng vật lý: dọn đồ là hành trình của tâm hồn.
Tốt nghiệp đại học, Kondo làm ở hãng nhân sự nhưng vẫn duy trì kiếm sống từ đam mê bài trí cứ mỗi sáng sớm và buổi tối, với thù lao ban đầu 100 USD cho 5 tiếng. Nhưng cuối cùng, cô nghỉ việc và toàn tâm toàn ý với nghề xếp đồ. Đã có lúc danh sách chờ dịch vụ của Kondo kéo dài đến 6 tháng.
"Chỉ giữ những vật kết nối tới trái tim bạn" - triết lý dọn đồ KonMari không phải là vứt đi càng nhiều càng tốt. Ảnh: Instagram.
Thứ ban đầu chỉ là sở thích cá nhân trở thành một mô hình kinh doanh cho Kondo. Cô xuất bản 4 cuốn sách: The Life-Changing Magic of Tidying Up; Spark Joy; Life-Changing Magic: A Journal và The Life-Changing Manga of Tidying Up: A Magical Story. Trong đó cuốn đầu, được dịch ra tiếng Việt là Nghệ thuật bài trí của người Nhật: Phép màu thay đổi cuộc sống, nằm trong danh sách bán chạy nhất của New York Times trong 86 tuần liên tiếp. Đến năm 2017, sách của Kondo bán 7 triệu bản và được dịch ra 40 ngôn ngữ. Các hội thảo chuyên gia bài trí này tổ chức bán mỗi vé 2.000 USD. Nhiều người cũng được đào tạo để trở thành đại sứ tư vấn phương pháp KonMari.
Giao tiếp với đồ vật
Nguyên lý "quẳng đồ" căn bản của KonMari là: chỉ giữ quanh bạn những thứ kích hoạt niềm vui.
Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ nhìn ra được niềm vui đồ vật mang lại. Chẳng hạn về đôi tất, một phụ kiện thường nhật đơn thuần, Marie Kondo đưa ra quan điểm: "Nếu đổi mới góc nhìn, bạn hiểu được tất khiến việc bận giày được trơn tru và đó là một dạng niềm vui giản đơn có được. Một chút thay đổi tư duy giúp bạn trân trọng giá trị của chúng".
Bước cốt lõi trong quy trình dọn kiểu KonMari là cầm từng đồ vật trong tay và cảm nhận liệu nó có gợi lên niềm vui nào. Nếu chạm vào mà không thấy điều này, KonMari cho rằng có thể bỏ đi. Nhưng trước đó, phương pháp cũng lưu ý luôn nói "cảm ơn" với đồ vật vì sứ mệnh đã thực hiện trong cuộc đời bạn.
Chốn công sở được Kondo nhận xét là thường lộn xộn với đủ loại giấy tờ thừa thãi mà thời buổi này chẳng cần thiết. Nếu không có vấn đề gì nghiêm trọng, mọi người được khuyên có thể thay thế bản cứng tài liệu bằng bản mềm trên máy tính. Ngôi sao dọn dẹp khẳng định: "Khi văn phòng làm việc gọn gàng, hiệu suất của bạn sẽ cao hơn vì không bị mất thời gian". Cô cũng không đồng tình cách dọn chút một mỗi ngày mà khuyến khích tổ chức lại toàn bộ trong một lần.
Bên cạnh đó, Kondo nhấn mạnh cần phân định niềm vui cá nhân và công việc. Việc một khách hàng CEO của cô chỉ giữ lại văn phòng những thứ tạo ra tiền của không liên quan đến cách sống bên ngoài của anh ta.
Bàn làm việc trước và sau khi được "Kondo hóa". Ảnh: Instagram.
KonMari không phải chủ nghĩa tối giản
Kể từ khi được xuất bản, sách của Marie Kondo là hiện tượng toàn cầu, và thường bị hiểu nhầm rằng góp phần lớn phổ biến chủ nghĩa sống tối giản.
Tuy nhiên, khác với quan điểm thực dụng vứt bỏ càng nhiều đồ đạc không hữu ích càng tốt, phương pháp KonMari nhấn mạnh khía cạnh kết nối tinh thần với đồ vật. Thực tế Kondo quan niệm mọi người có thể sở hữu nhiều ít vật dụng tùy ý, chừng nào chúng đem lại niềm vui. Không chỉ là cách thức dọn dẹp, KonMari giúp người áp dụng luyện kỹ năng phân bậc ưu tiên trong đời sống.
Cô gái Nhật chia sẻ: "Thông qua cuộc bài trí, bạn dần học cách nhận biết niềm vui và nắm rõ những giá trị mình coi trọng hơn cả". Đó chính là nền tảng để mọi người đưa ra các quyết định, đặc biệt khi họ đối mặt câu hỏi nghề nghiệp: "Điều gì trong công việc đang theo đuổi thực sự đem đến cảm giác thoải mái?".
Theo hướng đó, xếp đồ cũng có thể dẫn đến những biến đổi trong nghề nghiệp. Không ít người đã thực hiện những ngã rẽ công việc, xuất phát chỉ từ một triết lý dọn đồ như vậy.
Biên soạn: Chuyên gia phong thủy Miu Decor